Sự tích Hòn Vọng Phu


Sự tích Hòn Vọng Phu

     Hòn Vọng Phu là hình ảnh người mẹ bồng con hướng về phía biển. Sự tích về hòn đá này, đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian qua một câu ca dao rất nổi tiếng: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh". Câu chuyện là một cuộc tình ngang trái nhưng mang đến cho người đọc những bài học ý nghĩa về tình yêu, sự thủy chung của nàng Tô Thị. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn về diễn biến và ý nghĩa của sự tích Hòn Vọng Phu.

1. Tô Văn vô tình làm bị thương Tô Thị, sợ hãi bỏ nhà ra đi

     Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụ con. Người anh đặt tên là Tô Văn còn người em là Tô Thị. Chẳng may người chồng mất sớm, một mình người vợ phải làm lụng vất vả, mò cua, bắt ốc kiếm từng đồng để nuôi hai đứa con còn nhỏ dại.

     Một hôm người mẹ dặn hai anh em ở nhà trông nhau để ra đồng làm ruộng. Vì quá trưa chưa thấy mẹ về, Tô Văn rủ Tô Thị ra vườn đào khoai lên ăn cho đỡ đói. Thấy con gà đi qua, Tô Văn đùa nghịch, lấy hòn đá ném thì trúng ngay vào đầu Tô Thị. Tô Thị ngã vật xuống đất, máu chảy ra lênh láng rồi ngất lịm đi. Tô Văn thấy thế tưởng em gái đã chết, sợ hãi bỏ nhà đi trốn.

     Về phần Tô Thị, may sao có cụ hàng xóm nhìn thấy chạy sang ứng cứu kịp thời. Đến khi người mẹ về thì con gái đã ngồi dậy được.

     Nhưng Tô Văn thì đi biệt tăm, biệt tích không trở về. Người mẹ tìm con trai ngày này qua tháng khác vẫn không thấy mà trở nên héo hon bệnh tật. Quá thương con, chẳng bao lâu bà ốm nặng rồi qua đời, bỏ lại Tô Thị một mình.

2. Tô Thị được nhận nuôi và nên duyên với chàng trai bán thuốc

     Sau đó ít lâu Tô Thị được hai vợ chồng người láng giềng nhận nuôi. Rồi nhà họ rời lên xứ Lạng làm ăn, đưa Tô Thị theo cùng. Thời gian thấm thoát trôi qua, chả mấy chốc Tô Thị đã 20 tuổi. Nhờ dành dụm được ít vốn, nàng xin phép cùng bố mẹ mở cửa hàng bán nem ở chợ Kỳ Lừa.

     Một ngày nọ, có một thanh niên tầm ngoài 20 tuổi, vẻ ngoài tuấn tú đem thuốc bắc từ Cao Bằng về Lạng Sơn bán. Ngay từ lần đầu nhìn thấy Tô Thị, chàng trai đã cảm mến tài sắc của nàng.

     Từ đó, cứ mỗi lần mang thuốc về Lạng Sơn chàng trai lại ghé hàng nem của Tô Thị. Hai người dần trở nên thân thiết, cảm mến nhau rồi nên vợ nên chồng. Lấy nhau được hơn một năm thì Tô Thị có mang và sinh được một bé gái xinh xắn.

3. Thân phận thật của chồng Tô Thị

     Một ngày nọ, người chồng bế con xem vợ gội đầu, chợt thấy đầu vợ có cái sẹo to, anh hỏi:

     - Ơ, sao đầu em lại có vết sẹo lớn thế kia, hồi nhỏ em bị ngã hay sao?

     - Chả là hồi nhỏ anh trai em lỡ ném hòn đá vào đầu em. Vết thương chảy nhiều máu quá khiến em ngất ra. Mà anh trai em cũng sợ quá bỏ nhà đi biệt tích từ bấy đến giờ.

     Tô Thị kể tỉ mỉ cho chồng nghe những gì xảy ra hồi còn bé từ người anh đi mất tích, mẹ chết, được nhận nuôi, lên xứ Lạng làm ăn rồi ở đây cho đến bây giờ. Người chồng nghe xong lộ rõ vẻ hoảng hốt, thầm nghĩ: "Thôi, mình đã lấy nhầm em ruột rồi". Hóa ra người chồng của nàng không ai khác chính là Tô Văn.

     Tô Văn cố kìm hãm trong mình nỗi đau thương buồn thảm. Do lang thang nhiều năm và cũng được nhận nuôi như Tô Thị, lớn lên Tô Văn theo họ bố nuôi là Lý rồi hành nghề bán thuốc. Hơn mười năm qua, chàng yên trí gia đình lúc nhỏ của mình đã không còn một ai nữa. Mà giờ nghe Tô Thị kể lại chàng chua xót nghĩ: "Tại sao ông trời lại đẩy mình vào hoàn cảnh trớ trêu đến vậy?"

4. Tô Văn quyết định lên đường đi lính, mong cho Tô Thị tìm được hạnh phúc mới

     Nghĩ ngợi hồi lâu, Tô Văn quyết định xin đăng lính, không bàn với vợ nửa lời, mãi đến lúc lên đường anh mới nói với vợ:

     - Mình à, tôi đã đăng lính rồi, sớm mai sẽ lên đường, chuyến này đi 3 năm có khi 6 năm mới về. Mình ở nhà nếu mãn hạn mà chưa thấy tôi về thì cứ đi bước nữa đừng chờ tôi nha.

     Tô Thị nghe chồng nói xong thì như sét đánh ngang tai, không hiểu sao đang sống yên vui thì chồng lại bỏ đi một cách quái gở như thế. Nàng ấm ức khóc nhưng Tô Văn nhất quyết ra đi và âm thầm cho rằng mình đi như vậy là sự giải thoát đúng đắn.

5. Sự chung thủy, một lòng chờ chồng của Tô Thị và sự ra đời của Hòn Vọng Phu

     Từ ngày chồng đi, Tô Thị chẳng thiết tha gì đến việc bán hàng. Ngày ngày nàng bế con lên chùa Tam Thanh cầu cho chồng đi bình yên, sớm trở về sum họp. Nhưng nhiều năm trôi qua nàng cũng chẳng thấy chồng về, nhiều kẻ cho là chồng nàng đã chết nên lân la hỏi nàng làm vợ nhưng nàng nhất thiết từ chối.

     Trong vùng có một tên kì hào nổi tiếng hống hách rất có thế lực và tàn nhẫn, muốn hỏi nàng làm vợ kế. Tuy nàng đã chối từ nhiều lần nhưng hắn đe dọa sẽ làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của cha mẹ nuôi nàng và sẽ ép cả nhà nàng rời khỏi nơi đây. Nên nàng chỉ còn cách xin khất nếu qua kì hạn đã hứa với chồng là 6 năm thì sẽ theo hắn về làm vợ. Nàng hi vọng chồng sẽ trở về trước khi kì hạn kết thúc.

     Vậy nhưng, sau 6 năm trôi qua nàng đợi chồng đến đỏ con mắt vẫn không thấy bóng chàng trở về. Tên kì hào theo lời hẹn mang lễ tráp đến hỏi cưới nàng. Thấy không còn đường lui, nàng vội vã dẫn con chạy theo con đường mòn lên núi. Bỗng một cơn giông lớn nổi lên, mây đen kéo đến đầy trời, mặc cho mưa gió bủa vây, nàng Tô Thị dẫn con trèo lên một mỏm đá cao chót vót nhìn về hướng chồng đi.

     Sáng hôm sau, trời yên bể lặng, người dân nhìn lên đỉnh núi thì thấy nàng Tô Thị ôm đứa con đã hóa đá từ bao giờ. Ngày nay, hòn đá ấy vẫn còn ở tỉnh Lạng Sơn, gây cho khách tham quan nhiều nỗi vấn vương khi nhớ lại câu chuyện truyền kì éo le một thời.

6. Ý nghĩa của sự tích Hòn Vọng Phu

     Sự tích Hòn Vọng Phu, một truyền thuyết thật ý nghĩa nhưng cũng đượm buồn. Qua sự tích Hòn Vọng Phu ông cha ta ngợi ca lòng thủy chung của người phụ nữ Việt Nam. Câu chuyện cũng nhắc đến nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh loạn lạc gây ra.

     Qua lịch sử hàng trăm năm, dân tộc ta trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước. Biết bao người chồng bỏ lại gia đình để ra trận để lại sự đau thương, nỗi nhớ nhung day dứt, sự mòn mỏi chờ đợi của những người ở lại. Giống như "nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đến hóa đá ở Lạng Sơn".

     Câu chuyện bi thương về nàng Tô Thị một lòng thủy chung chờ chồng đã khiến đất trời cảm động. Cũng vì thế mà khách thập phương ghé đến Lạng Sơn đều đến đây thắp nén hương tưởng nhớ đến nàng Tô Thị năm xưa. Để khắc sâu trong mình một đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam là một lòng thủy chung son sắc.

     Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc cho các câu Sự tích Hòn Vọng Phu? Diễn biến sự tích Hòn Vọng Phu? Tóm tắt sự tích Hòn Vọng Phu? Cái kết cho chuyện tình oan trái? Ý nghĩa sự tích Hòn Vọng Phu?...Để cập nhật thêm các thông tin liên quan hoặc thông tin mới nhất các bạn có thể liên hệ với chúng tôi.

Liên hệ : 1900633720

Bài viết tham khảo:

Tổng hợp những tác phẩm văn học Việt Nam siêu kinh điển

Tổng đài Vsmart

1901