Những câu chuyện cười Trạng Quỳnh hay nhất


Những câu chuyện cười Trạng Quỳnh hay nhất

     Trạng Quỳnh là một nhân vật dân gian nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam. Ông được biết đến với trí thông minh, tài ứng biến và những câu chuyện cười dí dỏm, hài hước. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những câu chuyện cười Trạng Quỳnh hay nhất.

1. Đầu to bằng cái bồ

     Chuyện kể rằng lúc Quỳnh còn nhỏ, mới bảy tám tuổi, Quỳnh đã tỏ ra thông minh đỉnh ngộ nhưng cũng là một đứa trẻ chúa nghịch. Hồi ấy bọn trẻ thường chơi trò xước xách, lấy tàu chuối làm cờ, lá sen làm lọng. Trong trò chơi, Quỳnh bao giờ cũng lấn lướt.

     Một đêm mùa thu, trăng tháng tám sáng vằng vặc, đang chơi với đám trẻ ở sân nhà, Quỳnh bảo:

     – Chúng bay làm kiệu cho tao ngồi, rồi tao đưa đi xem một người mà cái đầu to bằng cái bồ!
Lũ trẻ tưởng thật, liền tranh nhau làm kiệu rước Quỳnh đi vòng vòng quanh sân, mệt thở muốn đứt hơi. Xong, chúng nhất định bắt Quỳnh phải giữ lời hứa. Lúc ấy trăng đã mờ, Quỳnh bảo:

     – Tụi bây đứng đợi cả ở đây, tôi đi đốt lửa soi cho mà xem!

     Bọn trẻ nhỏ hơi sợ, không dám ở lại, chỉ những đứa lớn hơn, bạo dạn đứng chờ. Quỳnh lấy lửa thắp đèn xong đâu đấy, rồi thò đầu che ngọn đèn, bảo:

     – Kìa, trông trên vách kìa. Ông to đầu đã ra đấy!

     Anh nào cũng nhìn nhớn nhơ nhớn nhác, thấy bóng đầu Quỳnh ở vách to bằng cái bồ thật. Lũ trẻ biết Quỳnh xỏ, quay ra bắt Quỳnh làm kiệu đền, Quỳnh chạy vào buồng đóng cửa lại, kêu ầm lên.

     Ông bố tưởng là trẻ đánh, cầm roi chạy ra, lũ trẻ chạy tán loạn.

2. Chúa Liễu mắc lừa

     Lúc Quỳnh còn là học trò nhà nghèo, phải ra đền Sòng xin cấy rẽ. Đền Sòng quê ông là nơi thờ Bà Chúa Liễu nổi tiếng rất linh thiên, không ai là không kinh sợ. Chúa Liễu có nhiều ruộng và bà cũng cho cấy rẽ để lấy lợi. Lần ấy, Quỳnh vào đền khấn mượn đất xong thì khấn quẻ âm dương hỏi Chúa là bà lấy gốc hay lấy ngọn trong vụ thu hoạch tới. Lần đầu Chúa bảo lấy ngọn, thế là vụ ấy Quỳnh trồng khoai lang. Đến khi khoai đã có củ, đào khoai xong, Quỳnh đem hết củ về nhà còn bao nhiêu dây khoai Quỳnh đem để đền bà chúa.

     Lần thứ hai, xin âm dương, Chúa đòi lấy gốc để ngọn cho Quỳnh. Mùa ấy Quỳnh liền trồng lúa. Đến mùa gặt, Quỳnh cắt hết bông và đem gốc rạ trả cho Bà Chúa!

     Chúa Liễu hai lần bị Quỳnh lừa, tức giận lắm xong đã trót hứa rồi, không biết làm thế nào được.

     Lần thứ ba, Quỳnh đến xin thì Chúa bảo lấy cả gốc lẫn ngọn, còn khúc giữa cho Quỳnh, Quỳnh giả vờ kêu ca:

     – Chị lấy thế em còn gì được nữa!

     Khấn đi khấn lại mãi, Chúa nhất định không nghe, Quỳnh về trồng ngô, đến kỳ bẻ ngô bao nhiêu bắp Quỳnh giữ lại, còn ngọn với gốc Quỳnh đem nộp cho Chúa.

     Chúa mắc mưu Quỳnh ba lần, đòi lại ruộng, song trong ba vụ ấy, Quỳnh đã kiếm cũng được cái vốn kha khá rồi.

3. Lễ tế sao

     Chúa Trịnh lâm bệnh ngày một nặng. Lúc đầu cớm nắng, cớm gió, dần dần nửa tỉnh, nửa mê, tâm thần hoảng loạn. Chứng bệnh nhà chúa thật tai ác. Mỗi ngày lên cơn năm bảy bận. Mỗi bận lại bắt bọn quan lại đem một người đàn bà đẹp vào cung cấm, lột trần truồng trước mặt chúa, để chúa cào cấu, cắn xé… Có như thế con bệnh mới chóng lui. Nhiều thiếu nữ đã chết oan uổng, hoặc chịu mang thương tích suốt đời, Quỳnh biết chuyện này, hết sức phẫn nộ. Quỳnh tự nhủ không để tình cảnh ấy kéo dài, bèn lập mẹo trị bệnh chúa…

     Có tin bắn đến tai bà chính cung: Chỉ có Trạng Quỳnh mới chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo kia của chúa.

     Bà chính cung tức tốc cho vời Trạng đến:

     – Tính mệnh của chúa như ngàn cân treo sợi tóc. Ta dùng đủ tay ngự y danh tiếng, đã lễ cầu các vị tiên liệt ở nhà thái miếu và các đấng thần. Phật tối linh khắp miếu xa, miếu gần mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bây giờ chỉ còn trong cậy vào Trạng.

     Quỳnh vào thăm bệnh chúa, lúc trở ra, làm bộ lo lắng tâu với chính cung:

     – Tâu lệnh bà, đúng như lời người dạy, sự sống của đức ngài chỉ còn le lói trong muôn một. Tiếc là lệnh bà cho gọi thần hơi muộn. Nhưng còn nước còn tát, thần xin dốc sức vì chúa một phen.

     Thần chẳng cần tiền bạc, danh vọng gì, chỉ thỉnh cầu lệnh bà chuẩn y cho mấy điều.

Quỳnh ra hiệu để chính cung đuổi hết quan thị và bọn hầu cận đi khỏi, mới nói tiếp:

     – Biết sắp vào chầu Đức bà và thăm nhà chúa, đêm qua thần đã tắm gội sạch sẽ, vào cầu mộng ở đền Trấn Vũ.

     Chính cung vội hỏi:

     – Đức thánh ngài dạy sao?

     – Thần cầu mộng lúc giờ tí đến giờ sửu ứng mộng ngay. Đức thánh truyền cho thần biết, muốn cứu nhà chúa, trước hết phải làm hai việc. Đức bà phải tha hết những con gái nhà lành và tất cả những người đàn bà khác đang bị giam giữ ở các nơi trong phủ chúa để đợi đưa tiếp vào cung tiến. Đức bà phải lập một đàn sao giữa trời đất để thần làm lễ tế sao. Trong bảy ngày đêm liền, thánh truyền phải dùng dây lụa buộc chặt nhà chúa vào sập rồng. Ngoài chính cung lệnh bà và kẻ hạ thần với hai tên hầu cận, tịnh không một ai được đến gần đức ngài.

     Bà chính cung ngẫm nghĩ một lát rồi chấp thuận. Ngay hôm sau, mọi việc bắt đầu. Quỳnh đứng ra làm lễ tế sao. Đêm đến, trên dàn cao, bà chính cung và các hàng quan văn võ đại thần mặc lễ phục, hai tay dâng hương, quỳ mọp gối chung quanh chủ tế. Quỳnh tay cầm nghi trượng, tay “Bắt quyết”, mồm luôn đọc bài văn tế sao:

     – Ô hô Ngàn sao! Sao Loan, sao Mệ! Sao Dập, sao Dung! Sao Ú, sao Ngang! Sao Bao, Sao Hạn, Sao Tai! Mau cút lên trời! Chúa tôi khỏi bệnh! Ô hô cút mau!…

     Sau mỗi lần đọc, Quỳnh lại bắt mọi người đồng loạt nhắc lại.

     Thật kỳ lạ, chỉ tế sao trong vài đêm, bệnh chúa lui trông thấy. Đến ngày thứ năm, chúa van vỉ kêu rên như một phạm nhân xin giảm tội: “Ta hết cơn rồi. Các người mau cởi trói cho ta!” Quỳnh nghiêm giọng, đe nạt:

     – Tuỳ chúa đấy thôi! Nếu chúa nóng lòng, không chịu phép đủ kỳ hạn, sau này thánh quở phạt, đừng trách cứ vào Trạng. Nhà chúa đành nghe theo. Sau bảy ngày đêm, chúa gần khỏi, người tỉnh táo, ăn ngon miệng. Chính cung cả mừng, mở tiệc khoản đãi Trạng. Trong thành, ngoài cõi đồn dậy lên:

     “Trạng Quỳnh có thuật tế sao vô cùng mầu nhiệm!” Các quan chiêm tinh đọc bao nhiêu sách chưa hề thấy có những vì sao lạ như vậy, lục tục kéo nhau đến khẩn khoản xin cầu Trạng truyền cho bí quyết, Trạng nói:

     – Tôi không phải thầy cúng, cũng không phải thầy lang. Chẳng qua nhà Chúa từ lâu đã mắc chứng ham mê tửu sắc, ăn, uống, thức, ngủ vô điều độ. Các ngự y đến xem mạch lại đua nhau bốc thuốc bổ thận, bổ dương, càng đẩy con bệnh đến chỗ cường dục, loạn tâm, loạn trí. Tôi bày mẹo cầu mộng là cố mượn uy thần thánh bắt nhà chúa nằm bất động, kiêng khem mọi thứ, cho thể trạng trong người bình thường lại. Còn bài văn tế kia cũng chẳng có gì bí truyền cả. Cứ đọc ngược, khắc rõ nghĩa. Tôi xin tế lại các ngài nghe.

     – Ô hô! Ngàn sao! Sao Loan, sao Mê là sao Mê, sao Loạn, sao Dập, sao Dung là sao Dục, sao Dâm, sao Ú, sao Ngang là sao Ác sao Ngu… Các chiêm tinh nghe Trạng kể như vậy đều cười bò cười lăn.

     – Các ngài thừa hiểu một khi các thứ sao xấu, sao độc kia không còn ám ảnh nhà chúa nữa, đã “Cút lên trời” thì nhà chúa hết bệnh chứ còn gì nữa. Họ phục Trạng vừa giàu trí thông minh, vừa giàu lòng nhân ái, xứng danh là “Ngôi sao sáng xứ Thanh”.

4. Cây nhà lá vườn

     Quỳnh nhiều lần dùng trí thông minh, tài đối đáp để trêu chọc chúa Trịnh, nên trước chúa quý trọng bao nhiêu thì sau lại ghét bấy nhiêu. Chúa càng ghét, Quỳnh càng trêu tợn.

     Một lần, chúa sai lính tới kéo đổ nhà Quỳnh. Thấy lính đến Quỳnh bảo:

     – Chúa sai các anh đến kéo đổ nhà ta, các anh cứ làm, nhưng không được reo, cười, ai mà reo cười ta cắt lưỡi.

     Ở đời, hễ kéo nặng thì phải reo hò, không dô ta, hò khoan sao mà kéo nổi? Bọn lính
đành chịu thua về trình báo lại. Lần khác chúa sai bọn lính đến ỉa vào vườn nhà Quỳnh, Quỳnh thản nhiên cầm dao ra bảo:

     – Chúa sai các anh đến ỉa thì cứ ỉa nhưng ta cấm đái. Thằng nào đái thì dao đây, ta cắt…. Ngay!

     Ỉa ai không đái bao giờ?

     Bọn lính lại phải về tâu lại. Chúa truyền cho chúng mang gáo dừa theo và đái vào đó. Quỳnh đành chịu thua nhưng vẫn nghĩ cách chơi lại chúa. Một tháng sau, Quỳnh ra chợ, thấy người ta bán cải tốt, liền mua thật nhiều về, mang lên biếu chúa. Chúa thấy cải ngon, sai đầu bếp nấu canh, và quên chuyện cũ liền hỏi Quỳnh cải đâu mà ngon vậy. Quỳnh thưa ngay:

     – Dạ, đó là cải nhà trồng. Trước nó không tốt lắm nhưng từ khi chúa sai lính “Bón phân” vườn nhà thần, nên nó tốt tươi như vật. Cây nhà lá vườn thôi, thần mới dám dâng cho chúa xơi!

5. Ăn Trộm Mèo

     Nhà vua có nuôi một con mèo tam thể quý lắm, xích bằng xích vàng và cho ăn toàn những đồ cao lương mỹ vị.

     Quỳnh vào chầu, trông thấy, liền tìm cách bắt trộm về, cất xích vàng đi buộc bằng xích sắt, nhốt lại. Đến bữa đợi cho con mèo thật đói, Quỳnh để hai cái đĩa, một đĩa cơm trộn thịt cá và một đĩa cơm trộn rau. Mèo nhà vua quen ăn miếng ngon chạy đến chỗ thịt cá chực ăn. Quỳnh cầm sẵn roi, hễ ăn thì đánh. Mèo đói quá, phải ăn đĩa cơm rau. Dạy như vậy được một thời gian, mèo quen dần, không bao giờ dám gì ngoài rau nữa mới thả ra. Vua mất mèo, tiếc quá, cho người đi tìm, thấy nhà Quỳnh có một con mèo tam thể giống như hệt, nghi lắm, bắt Quỳnh mang mèo vào chầu.

     Vua xem mèo, hỏi:

– Sao nó giống mèo của Trẫm thế? Hay khanh thấy mèo của Trẫm đẹp bắt về, nói cho thật!

     – Tâu bệ hạ, bệ hạ nghi cho hạ thần bắt trộm, thật là oan, xin bệ hạ đem ra thử thì biết.

     – Thử thế nào? Nói cho Trẫm nghe.

     – Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ phú quý thì mèo ăn thịt ăn cá, còn hạ thần nghèo túng thì mèo ăn cơm trộn với đầu tôm, rau luộc. Bây giờ để hai bát cơm ấy, xem nó ăn bát nào thì biết ngay.

     Vua sai làm thử. Con mèo chạy thẳng đến bát cơm rau, ăn sạch. Quỳnh nói:

     – Xin bệ hạ lượng cho, người ta phú qúy thì cao lương mỹ vị, bần tiện thì cơm hẩm rau dưa. Mèo cũng vậy, phải theo chủ.

     Rồi lạy tạ, đem mèo về.

6. Đá Gà với Quan Thị

     Bọn quan thị, nơi phủ chúa “Gà” thật không có mà lại cứ hay đá gà. Chúng bỏ ra nhiều tiền, lùng cho được những con gà hay đem về nuôi rồi đem ra đá độ với nhau. Nghe nói Quỳnh chọi gà với sứ Tàu thắng, họ liền mang gà đến nhà Quỳnh, đá thử một vài cựa chơi. Quỳnh vốn ghét bọn quan thị, từ chối nói là không có gà, nhưng họ nhiễu mãi, phải ừ và hẹn đến mai đi bắt gà về chọi. Bên láng giềng có một con gà trống thiến, Quỳnh liền qua mượn mang về.

     Sáng sớm, mở mắt dậy, đã thấy quan thị đem gà lại rồi. Quỳnh sai bắt gà trống thiến đem ra chọi. Tất nhiên, vừa so cựa được một vài nước, thì gà quan thị đá cho gà trống thiến một cựa lăn cổ ra chết ngay còn gà bọn hoạn quan thì vỗ cánh phành phạch lấy uy, gáy vang cả sân nhà. Bọn chúng khoái chí vỗ tay reo:

     – Thế mà đồn rằng gà của Trạng hay, chọi được gà Tàu, giờ mới biết đồn láo cả!

     Quỳnh chẳng cãi lại, chỉ ôm gà trống thiến mà rằng:

     – Các ngài nói phải, trước con gà này đá hay lắm, nhưng từ khi tôi thiến nó đi, thì nó đốn đời ra thế!

     Rồi ôm gà mà than thở: “Khốn nạn thân mầy, gà ôi! Tao đã bảo phận mày không dái thì chịu trước đi cho thoát đời, lại còn ngứa nghề là gì cho đến nỗi thế này! Thôi mày chết cũng đáng đời, còn ai thường nữa, gà ôi!”.

     Các quan thị nghe thế, xấu hổ, ôm gà cút thẳng.

     Những câu chuyện cười Trạng Quỳnh là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Chúng không chỉ mang lại tiếng cười cho người đọc mà còn thể hiện trí tuệ và tài ứng biến của Trạng Quỳnh. Qua những câu chuyện này, chúng ta cũng có thể rút ra cho mình những bài học quý giá về cuộc sống...Để cập nhật thêm các thông tin liên quan hoặc thông tin mới nhất các bạn có thể liên hệ với chúng tôi.

Liên hệ : 1900633720

Bài viết tham khảo:

Mẫu giới thiệu về nón lá Việt Nam hay nhất

Tổng đài Sony

713